Đường: Tố Hữu
Tố Hữu(1920 - 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, từ sáu, bảy tuổi ông đã học và tập làm thơ. Ông giác ngộ cách mạng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ và trở thành người lãnh đạo Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế. Tháng 4 - 1939, ông bị thực dân Pháp bắt, giam giữ ở các nhà lao Miền Trung và Tây Nguyên. Tháng 3-1942, ông vượt ngục Đak Lay, tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1945, ông là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên- Huế. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng (1951); Ủy viên Ban Bí thư (từ 1958-1980); Ủy viên Bộ chính trị (từ 1976-1986); Trưởng ban Tuyên huấn, Khoa giáo; Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương; Trưởng ban Thống nhất (1974-1975); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tác phẩm đã xuất bản: Từ ấy (thơ, 1946); Việt Bắc (thơ, 1954); Gió lộng (thơ, 1961); Ra trận (thơ, 1972); Máu và hoa (thơ, 1977); Một tiếng đờn (thơ, 1992); Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973); Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981); Ta với ta (thơ, 2000); Nhớ lại một thời (hồi kí, 2000)....
Giải thưởng văn học: Giải nhất Giải thưởng Văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 (tập thơ Việt Bắc); Giải thưởng Văn học ASEAN (1996); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1, 1996).
Ông được tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Sao Vàng.