Trung Tâm Y Tế Quận Cẩm Lệ
 

 

 Y tế là một ngành được xã hội giao cho trọng trách chăm sóc sức khỏe  con người. Người làm công tác y tế được xã hội trân trọng và tôn vinh như một nghề cao quý. Trong Y huấn cách ngôn, danh y Hải thượng Lãn Ông đã quan niệm rằng: “Thầy thuốc là nghề cao thượng, vì thế phải giữ khí tiết cho trong sạch. Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công”. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1955, Chủ tịch  Hồ Chí Minh vẫn nhắc “Lương y phải như từ mẫu”.

 

Ngành y tế quận Cẩm Lệ đã trải qua lịch sử phát triển lâu dài. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bệnh viện lúc đó với tên gọi là bệnh xá Hòa Vang, là một cơ sở nhỏ tiếp quản từ chế độ cũ để lại, còn in dấu xác xơ của một thời bom đạn. Giám đốc, bác sĩ duy nhất trong đơn vị thời bấy giờ cùng với những cán bộ y tế chuyên và không chuyên, đã chung lưng đấu cật gồng gánh trách nhiệm của ngành. Họ là những con người rất bình dị, bước vào nghề mà chưa kịp giũ bỏ cái khốn khó của đời thường còn vương trên từng manh áo. Dạo ấy, nghèo nhưng vẫn đậm tình người…

 

Năm 1997, thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, huyện Hòa Vang chia tách thành 3 địa giới hành chánh: quận Liên Chiểu, quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Kẻ ở, người đi, đồng nghiệp bịn rịn tiễn biệt nhau về đơn vị mới để rồi đâu đó trên đường đời tất bật, có dịp gặp nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời xưa cũ. Đến năm 2005, huyện Hòa Vang lại chia tách, một quận trẻ ra đời: quận Cẩm Lệ. Mang truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, được tiếp cho một nguồn sinh khí của một quận trẻ đầy tiềm năng và sức bật, từ đó, đơn vị đã chuyển mình với ba lần đổi tên: Trung tâm Y tế Hòa Vang, Bệnh viện đa khoa khu vực Hòa Vang – Cẩm Lệ và cuối cùng là Trung tâm y tế Cẩm Lệ…

 

40 năm qua, cùng với chu chuyển xoay vần của trời đất, Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ đã có những bước trưởng thành đáng kể. Cơ sở vật chất có khang trang hơn, trang thiết bị phục vụ cho người bệnh đầy đủ hơn, đội ngũ y bác sĩ dày dạn kinh nghiệm hơn và đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Hình ảnh người cán bộ y tế đã dần đi vào trong tâm thức của người dân và đã để lại ấn tượng đẹp. Ôn cố để mà tri tân, trân trọng những thành công trong quá khứ để chúng ta bước vào tương lai một cách tự tin hơn với một nhân sinh quan sâu sắc và toàn diện hơn…

 

40 năm qua, cuộc sống của người cán bộ y tế Cẩm Lệ  có nhiều niềm vui và cũng lắm nỗi buồn, đã trãi qua không ít những vinh nhục, thăng trầm. Được xã hội tôn vinh bởi một chữ “Thầy” nên họ cũng  được cộng đồng kỳ vọng với những trách nhiệm thiêng liêng, những sứ mệnh cao cả mà đôi khi lại bị lãng quên một điều đơn giản nhất: họ cũng chỉ là con người, cũng có những hỉ, nộ, ái, ố, những đam mê và cám dỗ, những phút giây sa ngã và vấp váp…Bởi thế việc quyết định bước chân vào nghề y vốn đã là một thử thách. Hải Thượng Lãn Ông dạy: “Suy nghĩ thật sâu xa tôi hiểu rằng thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, hoạ phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng”.

 

40 năm qua, có người đã cất bước ra đi do không trụ được với nghề, có người sau bao năm miệt mài cống hiến đến tuổi nghỉ hưu về với gia đình và cũng có người đã trở thành thiên cổ. Cát bụi và thời gian mãi mãi sẽ không thể làm phai phôi những mồ hôi, nước mắt, công sức và cống hiến của họ để chúng ta có được ngày hôm nay…

 

Đất nước ngày nay đang giai đoạn đổi mới. Lửa đạn chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Thời hội nhập quốc tế cùng bè bạn năm châu, kinh tế nước nhà chuyển mình khởi sắc. Giao lưu của người dân được mở rộng. Công nghệ sinh học và hóa học phát triển áp dụng vào việc bảo quản và chế biến thực phẩm mang đến nhiều hệ lụy. Bệnh tật ngày càng đa dạng và phức tạp nên trách nhiệm của người cán bộ y tế ngày càng nặng nề hơn. Mang trên vai trọng  trách cao cả đó, người cán bộ y tế bước vào đời, bước vào nghề và đối diện với cuộc chiến mới…

 

Trong cuộc chiến mới, để trang bị vũ khí cho mình, ngay từ hôm nay, mỗi cán bộ y tế chúng ta cần phải học. Học chuyên môn, học đạo, học đời. Với người làm công tác khoa học, chuyên môn là công cụ hàng đầu không thể thiếu. Hơn nữa, y học lại là khoa học nghiên cứu về con người, chăm lo và phục vụ cho con người, yếu tố cơ bản cấu thành nên xã hội. Cái sự học của ngành y gần như gắn liền với cả cuộc đời của người thầy thuốc, thậm chí cho đến mai kia, khi không còn gắn bó với ngành, trở về với cuộc sống gia đình, cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay về cõi vĩnh hằng. Học đạo là học đạo đức mà nền tảng là cái tâm của người thầy thuốc,  mà những năm tháng mài mòn đũng quần trên ghế nhà trường chỉ nắm bắt những điều cơ bản nhất. Học đời là học cái triết lý sống, học chữ NHẪN mà cha ông ta xưa đã tốn biết bao bút mực truyền dạy cho con cháu ngàn đời sau…

 

Và thế cho nên, để vươn đến cái đích của tương lai, chúng ta hãy cùng nhau tâm niệm rằng: con đường phía trước vẫn còn nhiều cam go lắm…

 
Gửi bình luận của bạn
Họ tên (*)     Email (*) 
Tiêu đề
Nội dung gửi
Đính kèm ảnh

Bạn có thể gửi tối đa mỗi lần 5 ảnh, mỗi ảnh có dung lượng không quá 512Kb.
Kiểu ảnh cho phép jpg, png, gif, bmp

Mã bảo mật
Nhập lại mã được hiển thị ở trên vào ô dưới đây
   
 

Bản quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng
Giấy phép: 612/GP-STTTT cấp ngày 21 tháng 10 năm 2016  
Trụ sở cơ quan: Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng 
Địa chỉ: 24 Trần Phú, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Email: toasoan@danang.gov.vn
Điện thoại:  (84 236) 3826338, Fax (84 236) 3821286

Chung nhan Tin Nhiem Mang